Dù có chọn lựa con đường nào đi chăng nữa luôn có 1 sự thật “cô gái ấy từng làm MẸ”. Chuyến xe cuộc đời lần này đưa anh chị em
SVCG Thái Hà – Bùi Chu chúng tôi về với nghĩa địa Đồi Cốc tại xã Thanh Xuân – Sóc Sơn – Hà Nội với rất nhiều suy nghĩ, với những câu hỏi hiện lên trong đầu xoay quanh như 1 mớ bòng bong không lời giải nhưng khi tới nơi tất cả dường như đi đâu mất bởi nơi ấy chỉ có 1 thực tại:Con nằm dưới này, hồn lạnh lắm.
Nấm mồ không tên, hàng vạn người.
Nước mắt thiên hạ, sao nhiều thế
Con cần bố mẹ, một nén hương!!!
Nghĩ tới các hài nhi mà lòng đắng lại, lắng đọng trong 1 không gian điên rồ với cái cảm giác không thực. Làm sao mà cả mấy chục ngàn người lại có thể nằm ở 1 nơi chỉ như 1 gian nhà bé còn ngổn ngang gạch đá. Chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình bằng những lời cầu nguyện, với những thổn thức cho kiếp người ngắn ngủi, đau đớn. Cầu nguyện xong tất cả cùng nhau đi thắp hương và cắm hoa cho từng mộ, riêng tôi thẩn thơ bước vào ngôi nhà nhỏ ẩm thấp gần đấy với những tấm vải tang trắng, với những túi nilon treo lủng lẳng, với xi măng, khuôn làm những cây thánh giá và 1 cái tủ lạnh công nghiệp vẫn còn đang chạy. Thằng em lần đầu đến đây bước theo sau hỏi :
“Tại sao giữa nghĩa địa lại có tủ lạnh ở đây vậy?”
Tôi hơi mỉm :
“Giữa nghĩa địa, có 1 cái tủ lạnh mày nghĩ xem tại sao?”
Thằng bé giật mình:
“hả!!!”
Đôi chân lùi lại đằng sau, cái ánh mắt luôn luôn buồn của nó sáng lên trợn tròn với đầy đủ sự sợ hãi. Thằng em quay ra, đi thẳng, còn lại mình tôi buồn với khoảng trống vắng trong lòng. Nhìn cái tủ lạnh tôi bỗng mỉm cười, bước tới mở lớp cửa tủ, rồi lớp kính chắn, khí lạnh màu trắng đục ùa ra đằng sau lớp sương mờ ấy là những túi bóng bọc kín, đen trắng lẫn lộn. Với tôi nó tựa như 1 cơn mê mà có mơ cũng chả bao giờ mơ tới. Tôi đang nhìn gần một ngàn cái xác “một mình”. Chẳng riêng tôi, ai thấy được cảnh này chắc cũng có cảm giác buồn vô tận, thương lắm, thương lắm, rồi tự hỏi “tình người bạc trắng hơn vôi?”. Bất giác trong đầu tôi chợt nhớ tới 1 bài báo đã từng đưa ra câu hỏi những hài nhi sau khi bị từ bỏ bởi cha mẹ sẽ đi về đâu? “sẽ theo vòng xoáy của bồn cầu chui vào vô tận của sự bỉ ổi” như lời bài báo viết hay thành những viên thuốc cho chính người thân ba mẹ uống. Ôi! Có lẽ đi về đâu cũng chỉ thấy 1 màu nhạt thếch, buồn tủi. Cái nghĩa trang con con ấy mỗi mét đất là nơi cư trú cuối cùng của hàng ngàn linh hồn. Mọi người chẳng ai bảo ai cùng bắt đầu vào công việc đào những ngôi nhà mới, từng xẻng đất là 1 niềm vui ủi an hàng ngàn, hàng vạn những đứa trẻ mồ côi. Ở nghĩa trang có những cái mộ có tên nhưng đó chỉ là những thai nhi may mắn hơn 1 chút có người đặt tên, còn thực ra chẳng có ranh rới giữa các tiểu bởi mọi nơi đặt chân được đều là nơi các em nằm. Khi đi sơn từng ngôi mộ có lẽ trong tôi chỉ hy vọng các em thích ngôi nhà mới, sẽ ấm lòng thêm chút ít.
Dưới nấm mồ nhỏ không tên
Thân xác em cũng cần một mái nhà
Bươn trải, tiền bạc, mua vui
Nhà ba má cao, nhà em thế nào?
Hà Nội, ừ lắm phồn hoa
Mà sao em, quỷ ma ôm kiếp người???
Công việc tiếp theo trong buổi sáng hôm nay là đưa các em thai nhi vào tiểu sứ để chuẩn bị đem đi an táng. Công việc này quả thật khiến nhiều người xót xa khi mà mỗi người được tận mắt nhìn thấy các em và đau thương đặt các em vào từng cái tiểu. Lệ kệ bê mỗi người 1 cái tiểu trên khuôn mặt ai cũng giãn ra lộ rõ sự lo lắng. Tôi còn cảm nhận rõ 1 số người theo sau với những làn hơi nhẹ như sợ rằng thở mạnh ai đấy tỉnh thức. Căn nhà nhỏ với gần chục người mà im lặng thế, chỉ có tiếng mở tủ, tiếng các bọc áo mưa lạo xạo. Từng bọc từng bọc được đưa ra lạnh ngắt khô khốc chúng được gói luôn vào 1 tấm vải trẳng và cho vào 1 túi y tế. Không gian im lặng bị phá vỡ bởi 1 người hỏi :
“Không tách từng em ra ạ?”
Người quản trang dường như quá quen thuộc với công việc này tay vẫn không ngừng gói các bọc trả lời:
“Mỗi bọc này là của 1 cơ sở, bây giờ không rã đông các em ra được nữa”.
Trong lòng gần như có 1 tiếng thở dài “mỗi bọc là của 1 cơ sở” là của 10, 20, 50 em, không có con số chính xác chỉ biết rằng mỗi cái tiểu sẽ chật chội lắm những linh hồn khi mỗi cái chứa 2 bọc như vậy. Nhưng hi vọng rằng các em sẽ bớt cô đơn bởi có nhiều bạn bè. Lúc đầu cũng chỉ có ít người dám bước vào gói gém các bọc cho vào tiểu vì sợ, nỗi sợ hiện rõ trên từng nét mặt ấy thế mà chẳng ai giục ai cuối cùng ai ai cũng cúi xuống cố gắng chỉnh sửa đặt ngay ngắn nhất có thể lúc đấy tôi hiểu rắng đó là tình yêu, chỉ có thể là tình yêu để nỗi sợ bị xóa bỏ. Tất cả với nỗi lòng mong các em sẽ hạnh phúc. Có 1 câu nói luôn vang lên trong đầu tôi đến tận bây giờ của 1 cô bạn trong lúc ấy :
“Anh nhè nhẹ thôi, cẩn thận không các em đau!”
Từng hàng tiểu được đưa ra xếp ngay ngắn trong nấm mồ mới, gần 30 chiếc tiểu được xếp thành từng hàng, cứ sau mỗi hàng thì phủ lên một lớp cát mỏng rồi tiếp tục xếp lớp tiểu tiếp. Khi mỗi hố đầy thì sẽ được đổ bê tông phủ lên trên và các tiểu thì được chôn tiếp sang hố mới bên cạnh. Cứ mỗi hố như thế xếp được 3-4 tầng tiểu, mỗi tầng chừng 20-30 cái thì các em sẽ có 1 ngôi nhà đoàng hoàng nhưng chắc rằng các em sẽ không phải đợi lâu lắm đâu vì cuộc đời này vẫn còn tiếp tục đáng mỉa mai lắm.
Ngày hôm nay, chúng tôi đã đưa tiễn hơn 600 em về với đất mẹ. Ai cũng nghẹn ngào, xót xa và thương nhớ. Chúng tôi cầu nguyện rồi khi ra về ai ai trong lòng cũng mang nỗi nặng lòng đau xót.
Ôi, Lạy Chúa! Chúa biết chúng con từ trong lòng mẹ: “Con mới là bao thai, mắt Ngài đã thấy ” (Tv 138,16),“Tạng phủ con, chính Ngài đã cấu tạo, dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân con…Khi con được thành hình trong nơi bí ẩn, được thêu dệt trong lòng đất thẳm sâu” (Tv 138, 13). Như thế Thiên Chúa đã an bài sắp đặt mỗi người chúng ta ngay từ khi còn trong dạ mẹ, nhưng nhiều cha mẹ lại lại khước từ lời mời gọi cộng tác vào chương trình sự sống của Thiên Chúa và nhẫn tâm ra tay giết chết chính người con yêu quý bé nhỏ của mình.
Chào các bé! Anh chị hứa sẽ quay lại vào 1 ngày gần nhất để có thể YÊU EM TẤT CẢ.
P/S: Phá thai là hi sinh lợi ích của người khác vì lợi ích của bản thân mình. Nhưng luôn còn thứ gọi là tình người ở giữa. Bạn có quyền lựa chọn giữa có và không nhưng chắc 1 điều lương tâm và linh hồn bạn không có sự lựa chọn!!!