GIÁNG SINH 2015: Gặp Chúa Nơi Bệnh Nhân Phong

CÂU CHUYỆN NHỎ – Maria Lê Phương Lan

Phú Bỉnh (Thái Nguyên) – hành trình Chúa Nhật IV Mùa Vọng mở ra trước mắt chúng tôi một vùng đất mới với những con người mới và những câu chuyện mới. Tôi sẽ kể cho bạn nghe một chút về những gì chúng tôi đã trải nghiệm, một chút về những câu chuyện mới mà chúng tôi may mắn được lắng nghe …

Khu điều trị phong Phú Bình thuộc xã Tân Kim, huyện Phú Bỉnh, tỉnh Thái Nguyên nằm biệt lập với khu dân cư, đây là nơi sinh sống và điều trị của gần 90 cụ mắc phải căn bệnh phong “quái ác”. “Quái ác” không phải do nay không có thuốc chữa nhưng do những định kiến xã hội lâu đời đối với căn bệnh này mà thôi. Cũng chính vì những thành kiến sai lầm như thế mà chưa được ai giải thích nên trong lòng tôi cũng không tránh khỏi sự hoang mang, lo lắng khi quyết định tham gia chuyến đi thiện nguyện. Nỗi sợ hãi, lo lắng đó luôn hiện hữu trong tôi cho đến khi tôi được gặp cụ – con người đã chung sống với bệnh phong từ mấy chục năm nay.

Vườn rau do các cụ chăm sóc bên trong khu điều trị phong

Tôi gặp cụ trong một căn bếp nhỏ, căn bếp mà ngày ngày các cụ vẫn tự thổi nấu cho mình. Nhìn từ phía sau, tôi chỉ thấy một bà cụ đang cặm cụi bên bếp lửa, không hiểu sao trong lòng thấy gần gũi, ấm cúng lạ thường, không còn cảm giác xa lạ, lạnh lẽo nữa. Trò chuyện với bà, tôi mới biết bà là người dân tộc Tày, bà tên Péo, bà đã 76 tuổi rồi. Đến đây từ nhiều năm trước nhưng bà vẫn gắng thổi nấu cho mình, chưa phải nhờ đến khu nấu ăn chung. Tuy thế bà không biết nhiều tiếng Kinh, có lúc đang nói tiếng Kinh bà lại nói một tràng tiếng Tày, tôi chỉ biết ngồi toét miệng cười nghe bà kể. Tôi nói với bà:
– Bà ơi, lúc bà nói tiếng Tày ý, cháu chẳng hiểu bà nói gì đâu… (cười)
– Ờ, nhiều chỗ bà nói cháu không hiểu, nhiều chỗ cháu nói bà cùng không hiểu. Hà hà

Bà kể mãi, kể mãi, bà nói chuyện với tôi một cách tự nhiên như đang kể chuyện cho con cho cháu. Đôi khi bà dừng lại như để nhớ và hồi tưởng, khi thì bà cười – nụ cười chất phác, chân chất của người dân tộc. Lúc đó tôi chỉ mong biết được tiếng Tày để có thể hiểu được những gì bà nói để sẻ chia niềm buồn vui với bà. Dù bất đồng về ngôn ngữ, nhưng bà nói chuyện với tôi cả tiếng đồng hồ. Phải chăng là bà đã nói với tôi bằng ngôn ngữ khác – ngôn ngữ của trái tim, để rồi đây tôi và bà đồng điệu một nhịp đập, một niềm nhung nhớ quê hương.
– Bà có nhớ điệu múa nào của dân tộc Tày không?
– Không, không học, không được đến trường, cũng không được múa, lao động thôi, không múa.

Giờ mới hiểu, không phải tất cả đều đẹp như những điệu múa dân tộc mà tôi từng biết. Bà hỏi tôi “Hà Nội à? Tuổi? ờ ờ, hai mươi à?” . Rồi tôi thoáng nghe thấy những cái tên dân tộc ở độ tuổi chập chững ba, tư. Có phải bà đang muốn kể cho tôi nghe về con cháu bà?
– Bà có nhớ Cao Bằng không?

Câu trả lời bằng tiếng Kinh nghe thật rõ, nhưng hình như có cái gì đó rưng rung trong đôi mắt của bà, rưng rưng trong giọng nói đó:
– Nhớ lắm. Nhớ Cao Bằng lắm.

Bà còn đọc cho tôi địa chỉ nơi buôn làng của bà nhưng tôi quên không có ghi chép lại. Nỗi niềm của người con xa xứ đã giấu kín từ lâu để hôm nay nói ra lại nghẹn ngào, nhung nhớ. Lòng nhớ thương quê hương, con cháu từ đâu lại ùa về, như thác đổ để rồi tuôn tràn những giọt nước mắt, con tim rung động trào dâng bao niềm ước ao.

Một chút thắc mắc của bản thân khi thấy bà thổi thêm một nồi cơm trắng, tôi có hỏi bà sao lại thổi nhiều cơm như thế vì trưa nay đoàn chúng tôi có nấu bữa trưa cho các cụ rồi. Bà có giải thích cho tôi rất nhiều bằng tiếng Tày nên tôi khó lòng hiểu được. Sau đó, tình cờ tôi được nói chuyện với một cụ cùng phòng với bà cụ Péo. Cụ có tâm sự với tôi:

– Ờ, bà ấy ăn khỏe lắm. Có khi thổi cả một bơ mà vẫn không đủ, nhiều khi vẫn đói, ngày trước bà ấy không được ăn no đâu.

Chịu đau đớn về thể xác, ăn còn không được no nhưng bà cụ Péo vẫn cứ tươi vui, vẫn cứ lạc quan, đơn sơ với tuổi già, lạc quan với bệnh tật. Đó là bài học lớn nhất mà tôi nhận được từ bà cụ. Cháu cảm ơn bà đã dạy cháu những điều đáng quý!

Bát phở trao tay – Tình thương đong đầy


GIÁNG SINH 2015 – GẶP CHÚA NƠI BỆNH NHÂN PHONG

Chúa ơi! Một mùa Noel nữa lại đến và năm nào cũng thế, Noel luôn gắn liền với mùa đông. Con đang dần cảm nhận thấy cái lạnh, cái lạnh đến run rẩy, đến tê tái hai bàn tay và dù đã mặc quần áo ấm, đã nằm trong chăn ấm con vẫn thấy sao mà lạnh quá Chúa ơi. Cái lạnh làm con nhớ đến Ngôi Hai Thiên Chúa đã xuống thế làm người nơi một Hài Nhi nằm trong máng cỏ, một trẻ thơ được bọc tã nằm giữa hang đá bò lừa. Ôi! Sao Con Thiên Chúa, Con Vua Chí Thánh lại chấp nhận sinh ra trong cảnh nghèo hèn và lạnh giá đến thế. Không cung điện, không chăn đệm mà giữa làn gió mùa đông tê tái, giữa hang đá lạnh lẽo, tối tăm. Nhưng sao thật lạ, con vẫn cảm nhận được hơi ấm của một gia đình, của thánh Giuse, của Mẹ Maria đang che chở bao bọc trẻ thơ Giêsu, và còn hơi ấm của tình người, của các mục đồng và các vua, ngay cả hơi ấm của những chú lừa, dường như khung cảnh đã có sự thay đổi quá lớn, nó không chỉ còn là hang đá u tối, buốt giá nữa mà đầy ắp hơi ấm, tiếng chúc tụng, đầy ắp ánh sáng của Ngôi Hai Chí Thánh.

Chúa ơi, khung cảnh của hang đá năm xưa khiến lòng con thổn thức nhớ đến khu điều trị phong Phú Bình, nơi mà chúng con được đến, được sống với tình Chúa, tình người. Giống như hang đá năm xưa Chúa hạ sinh, khu điều trị phong Phú Bình không còn là một nơi xa lạ, bệnh tật, cô đơn, buồn tẻ nữa mà như một mái nhà, một mái ấm đầy ắp tình thương, là nơi con nghĩ rằng con đã được gặp Chúa.

Trước và trong chuyến đi, con còn bao trăn trở về căn bệnh phong, hơn nữa mang bản tính của một cô gái mới lớn, con cũng sợ 2 chữ “lây nhiễm”. Khi gặp các cụ với những đôi chân, đôi tay không còn lành lặn, và trong đầu luôn có suy nghĩ “bệnh phong – bệnh truyền nhiễm” con đã có ý định sẽ giữ một khoảng cách nhất định nhưng ngay từ giây phút con nhìn thấy tượng Chúa chịu nạn trong phòng của một cụ bà, mọi suy nghĩ trong con đã thay đổi, con nhớ đến Chúa – một vị Vua, Đấng Tạo Hóa nhưng Chúa không ngần ngại hạ sinh nơi máng cỏ, Chúa đặt tay, chạm tay vào con người ô uế, Chúa chữa lành họ, vậy tại sao con với các cụ cùng tương quan là con người với nhau sao con lại sợ hãi, Chúa đã đi trước mở đường mà sao con lại ngại ngần. Suy nghĩ đó làm con can đảm đến gần các cụ, và như người ta từng nói “ranh giới thực ra chỉ như một sợi dây, nhưng cần bạn can đảm để bước qua nó” khi ta đủ can đảm để bước qua mọi sự phía sau sẽ bất ngờ. Và con đã thực sự bất ngờ Chúa ơi, dường như con không phải đi thiện nguyện nữa mà là đi để được nhận yêu thương từ các cụ.


“Chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh”, con đã được nhận từ các cụ nhiều tình cảm, nhiều bài học bổ ích, không phải mình yêu thương các cụ mà là các cụ yêu thương mình, các cụ ôm mình vào lòng. Con mới chỉ nói con đi xe lên hơi mệt mà các cụ đã lấy dầu gió cho bôi, hành động đó làm con trở lên thật nhỏ bé và nhõng nhẽo như được về với bà mình vậy. Con là đứa có bàn tay lạnh lên rất tự ti, ngại ngần khi giơ tay bắt tay người khác nhưng các cụ đã cho con thấy rằng mình hãy cứ giơ tay ra, nếu không để bắt tay làm ấm tay người khác thì hãy để người khác làm ấm tay mình. ‘Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân”, thực sự qua chuyến đi này con mới hiểu rõ bản thân mình hơn, suy nghĩ của một cô gái rất tự cao rằng mình muốn được cho đi, muốn được phục vụ anh em mình nhưng qua chuyến đi con mới nhận ra “tinh thần thì hăng hái nhưng thể xác thì yếu đuối” con đã sợ lây, con đã mệt mỏi khi đi xa, con đã không cho đi, không phục vụ mà lại được nhận yêu thương, được phục vụ.

Lạy Chúa gặp các cụ con mới hiểu được thế nào là gặp Chúa nơi tha nhân, và yêu người như Chúa yêu, tình yêu Thiên Chúa quả thật quá cao vời, con tự hào vì con người không phải đi tìm Chúa, vươn tới Chúa mà chính Chúa đã chủ động đến bên ta, Người luôn mong ước một ngày ta có thể nhận ra Ngài ngay bên cạnh, nơi chính tha nhân mình.


Chúa ơi đây không còn là chuyến đi thiện nguyện nữa mà đi gặp Chúa, đi để được yêu thương, để cùng sống với anh em mình, đồng hành cùng anh em, những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình, Chúa ơi khi Chúa đã giơ tay, các cụ đã giơ tay xin cho con biết giơ tay mình ra đáp lại, xin Người dùng con như khí cụ bình an của Chúa, xin cho con có tâm hồn đơn sơ, thánh thiện như chị Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu và trái tim ấm áp như Mẹ Têrêsa Calcutta.

Chúa ơi tạ ơn Người vì chuyến đi. Con yêu Người!

Tác giả bài viết: Maria Hạnh Lương
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *