Tâm Tình Gửi Đất Vùng Cao – MEN PHỤC SINH 2018

“Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, …”( Ga 15, 16)

Với niềm vui cùng hành trang là tình yêu vào Đức Kitô Phục Sinh, hành trình bác ái mùa Phục Sinh năm 2018 mang tên “Men Phục Sinh” của nhóm SVCG Bùi Chu – Thái Hà đã đến với bà con giáo dân giáo xứ Giàng La Pán – giáo phận Hưng Hóa (xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái). Chuyến đi sẻ chia những giá trị vật chất và lan tỏa niềm vui Phục Sinh tới bản vùng cao.
Với tôi, Men Phục Sinh 2018 đã là lần thứ hai tôi đồng hành cùng gia đình sinh viên công giáo Bùi Chu – Thái Hà, cũng là lần thứ hai tôi quay lại Bản Mù, nhưng không phải là “bản mù” của Tà Ghênh nữa mà là “bản mù” của Giàng La Pán.
Bản Mù ngày hôm ấy qua ánh nhìn của người trở lại đã nhận ra được nhiều sự thay đổi: từ những con đường, những ngọn dốc, những đoạn được đổ thêm bê-tông, có thêm những quán sửa xe, vài quán nước,…


Còn nhớ con đường đến Bản Mù một năm trước cũng những cơn mưa từng đợt, những đoạn đường dốc ngoằn nghèo, cả những đoạn sỏi đá gập ghềnh thêm vài dòng nước suối chảy,… Bước trên và đi qua con đường ấy, đầu tiên là cái mệt nhọc cùng những câu hỏi: “bao nhiêu cây nữa?”, “xa thế!”, “chưa đến nơi cơ à!!!” Mới chỉ là quãng đường đi bộ nhưng là cảm nhận ban đầu sự vất vả, cái nhọc nhằn của bà con dân tộc. Và còn biết bao hi vọng, háo hức, chờ đợi cho những cái “lần đầu” chờ mong ở một chương tình lần đầu tiên được biết đến và tham gia.

 

Bản Mù năm nay phải đi một quãng đường xa khó khăn hơn. Được giúp sức bằng những chiếc xe máy chuyên dụng của bà con giáo dân trong bản, chở từng người hay vài người lên đến tận giáo xứ nên đoàn chúng tôi di chuyển khá nhanh và an toàn. Cảm giác vừa mong vừa sợ: trong cái mệt mỏi rã rời của chân càng mong có ai đó đến đẩy mình lên; nhưng lại sợ ngồi trên xe văng khỏi xe và biết đâu lại ngã lăn xuống chỗ nào đấy thì sao?
Thế mới khâm phục sự tài giỏi, chuyên nghiệp của các anh, các chú lái xe, có thể chở chúng cháu đến nơi rất nhanh và an toàn, lại còn biết an ủi để chúng cháu khỏi sợ. Lũ trẻ hay tự tin phóng nhanh, vượt ẩu, kể cả khi tắc đường đến vài tiếng đồng hồ mà vẫn “lách” được ở đất Hà Nội bằng phẳng dễ đi ấy như chúng cháu đến giờ chắc không dám tự tin như thế trên quãng đường vào bản ấy nữa. Đến nơi, xuống khỏi xe, chúng tôi vẫn còn tự hỏi nếu tự đi thì không biết đến tối hay đến sáng hôm sau có đến nơi hay không? Muốn nói với em trai chở tôi rằng: khoảnh khắc em lướt qua chị rồi lại quay đầu xe, dừng lại cạnh chị và nói “Lên đi chị!” bằng giọng na ná ấy như một người hùng vậy…

 

Ở Giàng La Pán, một lần nữa tôi lại cảm thấy nơi đây càng đúng hơn với tên gọi bản “mù”, cái mù của sương sớm, của mưa. Thức dậy được ngắm cảnh của bản thật đẹp, thơ mộng và bình yên; bình yên bởi dù thiếu thốn nhưng họ vẫn cho chúng tôi giấc ngủ an lành, ấm áp và tỉnh giấc lại được thiên nhiên ưu đãi cho vẻ đẹp của mình. Chúng tôi bông đùa nhau rằng: “không cần ăn, ngắm cảnh cũng đã đủ no”; thật sự rằng đã phải mất bao lâu để rời mắt khỏi vẻ đẹp ấy mà đứng lên tiếp tục công việc của mình.
Tôi cũng thích cảm giác được ngồi quây quần bên mâm cơm, bát cháo, dựa lưng vào nhau mà vừa ăn, vừa ngắm cảnh, rồi lại cùng trò chuyện; cùng cả những em nhỏ quây quần, chúng ăn cách ngon miệng và vui vẻ, bởi vốn dĩ cuộc sống nơi đây của bọn trẻ đã thiếu thốn rất nhiều.

 

Vẫn là Bản Mù, dù là Tà Ghênh hay Giàng La Pán, tôi nhận ra rằng, vẫn những con người ấy hay dù là những người khác, hiểu được chúng tôi nói nhiều hay ít, và cho dù cuộc sống ở đây vất vả, thiếu thốn hơn chúng tôi rất nhiều, thì những người dân bản, nhất là những em nhỏ vẫn rất lạc quan vui vẻ, chân thật, đơn sơ và mộc mạc. Con đường chúng tôi đi bộ ra xe gần 20 cây số chỉ là một phần con đường đi bộ đến trường của các em, tôi may mắn được đồng hành với các em một đoạn của quãng đường đó; đi bên cạnh tôi là những tiếng cười giòn của các em, giữa chúng tôi vẫn có khoảng cách ngôn ngữ – các em không hiểu tôi hỏi gì và tôi thật sự không hiểu các em vui, cười vì điều gì mà cứ chạy cùng tôi, rồi cùng cười khi tôi quay ra; nhưng đang khi mệt mỏi vì quãng đường dài, nghe những tiếng cười đó ai cũng có thể bất giác mỉm cười. Tôi cũng nhận thấy trên khuôn mặt các em nụ cười chợt ngừng khi chúng tôi lên xe và tạm biệt các em. 

 

Ngày hôm ấy của chúng tôi với Thánh lễ, thăm hỏi một số gia đình, phát quà, tổ chức trò chơi tô tượng, nặn đất nặn, văn nghệ,… dù trời mưa nhưng dân bản và các em đều rất thích và tham gia nhiệt tình, có thể họ mong có những đoàn thiện nguyện đến và cùng vui chơi, cùng ca hát nhảy mừng để họ có thể dành ra chút thời gian mà đáng lẽ phải vất vả với cuộc sống mà thay vào đó được thư giãn, được vui cười và cùng nhau quây quần bên đống lửa thả lại những mệt nhọc vào đó.
Cũng giống như chúng tôi rời xa chốn xô bồ của thủ đô mong tạm gác lại những áp lực của học tập, của công việc, của xã hội mà đến với những con người đơn sơ, chân thành, đến với Bản Mù tuyệt đẹp ấy để cùng họ mang lại tiếng cười cho nhau, sẻ chia và đoàn viên trong niềm vui Chúa Phục Sinh vậy.
 

 



“Các con hãy ra đi, đừng sợ hãi, nhưng để phục vụ.” (ĐTC Phanxico)
Tôi cảm nhận được sự hy sinh nhiệt tình, sự vui vẻ của từng anh chị em tôi. Chúng tôi – những bạn trẻ sinh viên, bỏ lại công việc, học tập, tạm gác lại những suy nghĩ lo toan của cuộc sống: việc học, việc thi cử, tiền bạc; tạm rời xa Hà Nội mà cùng nhau “ra đi”, mang men Phục Sinh để chia sẻ niềm vui với bà con giáo dân nơi đây.
Dẫu biết rằng mọi sự so sánh chỉ là tương đối nhưng có so sánh mới biết con người của Bản Mù, của Giàng La Pán tuy nghèo đói, thiếu thốn, vất vả hơn gấp nhiều lần chúng tôi nhưng ngược lại họ giàu tình cảm, tài giỏi và nghị lực hơn chúng tôi gấp nhiều lần. Đến đó không chỉ để cùng chơi, cùng ăn với họ một vài bữa cơm; tặng họ chút gạo, hạt muối, … mà còn học hỏi ở họ cái tài, cái giàu ấy.
 



Cùng một nơi đến, nhưng sự đổi thay và kiến tạo của con người đem lại cho người ta những cảm nhận, những suy nghĩ và trải nghiệm mới mẻ.
Tạm biệt! Gửi lại Giàng La Pán, cảm ơn Bản Mù!
HÃY LUÔN NHỚ RẰNG: CHÍNH CHÚA ĐÃ CHO TA RA ĐI.

 

Tác giả bài viết: BTT Nhóm SVCG Bùi Chu – Thái Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *