Hành Trình Trải Nghiệm Những Điều Khác Biệt – MEN PHỤC SINH 2016

Cuộc sống vốn đã là những hành trình không ngừng mà ta có thể tận hưởng trọn vẹn từng khoảnh khắc ở từng bước hành trình khám phá, từng bước chân ta đi. Và hạnh phúc không phải là cảm giác khi tới đích mà là trên từng chặng đường đi. Những cảm nhận ấy không hề trộn lẫn với nhau mặc dù bạn đặt chân trên những hành trình đó nhiều lần. Ở mỗi một nơi sẽ đem đến cho bạn những trải nghiệm thú vị khi bàn chân bạn đặt đến đó, dùng mọi giác quan để thu về những cảm nhận chỉ của riêng bạn lan tỏa khắp con tim.

Dầu đã cùng sinh hoạt với Thái Hà – Bùi Chu được gần 4 năm, đồng hành trong nhiều chuyến đi xa gần nhưng với riêng tôi, Men Phục Sinh 2016 vẫn để lại nhiều ấn tượng, những kỷ niệm rất riêng và ẩn chứa trong đó là bao suy tư, hoài niệm, quyến luyến về một thời gian dài gắn bó. Có lẽ bởi đây sẽ là chuyến đi cuối cùng đời sinh viên của tôi khi mà chỉ còn vài tháng ngắn ngủi nữa tôi sẽ tốt nghiệp, cũng có thể đây là chuyến đi cuối cùng nhưng lại là mở đầu cho một chuyến đi xa hơn của tôi sắp tới mà không có Thái Hà bên cạnh.

Xin được chia sẻ đôi dòng về những điều đã nhận được cũng như đôi điều tiếc nuối về chuyến hành trình Men này, để rồi mỗi khi nhớ về Men ta thêm mạnh bước dấn thân, dậy Men làm mới chính cuộc sống thường nhật của mỗi chúng ta. “Cứ đi rồi sẽ đến – Cứ tìm rồi sẽ thấy – Cứ gõ cửa sẽ mở cho”.

1. Vẻ đẹp quyến rũ miền sơn cước

Bỏ lại sự mệt mỏi, ngán ngẩm cái không gian bon chen, tù túng trong nội thành, xe chúng tôi lao vun vút trên quốc lộ 32 tiến lên vùng rẻo cao Tây Bắc. Chỉ mới ra tới ngoại thành mà cái cảm giác thư thái, khoan khoái đã tràn ngập cả người. Không còn những dòng xe nối đuôi nhau chật ních, đợi chờ nhích từng cm giữa những con phố nhỏ hẹp và đông đúc, không còn những tòa cao ốc ngớt trời, những trung tâm thương mại sầm uất. Trước mắt là chuyến đi với 2 ngày ngắn ngủi nhưng hứa hẹn sẽ mang lại cho mỗi người những trải nghiệm thú vị, mới lạ và đáng nhớ.

Bỗng trời đổ mưa lớn, cơn mưa đầu hạ ầm ầm đến rồi cũng nhanh chóng qua đi, màu xám ngoét nhạt nhẽo được thay thế nhanh bằng nắng vàng ươm đầu hạ. Cái nắng đầu hạ không gay gắt chói chang như giữa hè, không nhợt nhạt yếu ớt như ngày đông, mà sáng bừng lên màu vàng khỏe khoắn trong vắt, thi thoảng còn có ngọn gió nhè nhẹ mơn man lên mái tóc bồng bềnh. Nhắm mắt và nhè nhẹ tận hưởng cái không khí mát lạnh ùa vào và hít hà cái không khí trong lành mới sớm mai.

Sau 3 tiếng vượt đường trường, đoàn xe đã đến đất Yên Bái và còn phải đi thêm hơn 1 tiếng nữa mới tới Ba Khe. Thiên nhiên, cảnh vật nơi rẻo cao Tây Bắc mở ra trước mắt thật kỳ vĩ mà lãng mạn, bức tranh của đất và trời đang vào hè như man mác, mê hoặc với sắc xanh tươi của những đồi chè trải dài tít tắp núi đồi, màu tím dịu dàng quyến rũ của hoa ban. Những hình ảnh ruộng bậc thang làm cho những đứa miền xuôi như tôi cảm thấy “mãn nhãn”. Vẻ đẹp quyến rũ của vùng rẻo cao Tây Bắc như làm trỗi dậy cảm xúc thăng hoa đối với những người đã quen cuộc sống đời thường nơi phố thị và đánh thức nỗi nhớ trong lòng những ai thích chinh phục bao điều kỳ thú của thiên nhiên.


 


Có lên núi mới thấy trời còn rộng lớn biết bao, có xuống biển mới biết biển mênh mông nhường nào. Lâng lâng, miên man giữa khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, tận hưởng nét hoang sơ trong một miền tĩnh lặng như phút nào ta nhớ người yêu nơi xa. Lòng ta lại mê đắm, bồng bềnh trước một kiệt tác xinh đẹp của tạo hóa với những dãy núi trùng điệp, tiếng suối chảy róc rách vui tai, vực sâu dốc đứng mà vẫn lãng mạn, kỳ bí mà huyền diệu.
Ngoài thỏa sức phóng tầm mắt để thu trọn đất trời, 2 ngày chúng tôi cùng tham gia trải nghiệm cuộc sống bình dị cùng bà con dân tộc Mông ở mảnh đất nơi “đất trời gặp gỡ”, miên man trước dãy ruộng bậc thang kỳ vĩ, đắm mình trong đêm xòe nồng say, lâng lâng dìu dặt trong những điệu khèn Mông da diết, hòa mình vào các lao động thường nhật, nhất là góp chút công sức xây dựng nhà Chúa.

Nhìn từ phía nhà nguyện giáo họ Pín Pé

Người phương xa, nhất là những bạn trẻ miền xuôi như chúng tôi dường như bị say mê bởi chính thiên nhiên cảnh vật sơn thủy hữu tình, con người chân chất nồng hậu mến khách, văn hóa đa sắc màu của người dân nơi đây để rồi quyến luyến chẳng muốn về.

2. Cánh đồng truyền giáo rộng lớn

Xin được làm một vài phép so sánh nho nhỏ để qua đó mọi người có cái nhìn tổng quát về sự mênh mông của cánh đồng truyền giáo và những khó khăn mục vụ nơi “Miền thập tỉnh Tây Bắc” mà tôi có dịp khám phá trong hành trình Men này:

Giáo phận Mẹ Bùi Chu gói gọn trong 6 huyện của tỉnh Nam Định, xứ xa TGM nhất cũng chỉ khoảng 65km thế mà Giáo phận Hưng Hóa rộng khắp cả 10 tỉnh của miền Tây Bắc, giáo xứ Mỹ Hưng (Văn Chấn – Yên Bái) trải dài đến cả 70km với 13 giáo họ và một giáo điểm. Mỗi tuần cha xứ đi thăm và dâng lễ Chúa nhật ở 3-4 giáo họ và mất một tháng mới đi hết một vòng.


Ở Bùi Chu mỗi cha thường chỉ coi một vài giáo xứ và gói gọn trong một vài xã xung quanh, còn ở Hưng Hóa nhiều cha coi giáo xứ rộng cả một tỉnh, thậm chí có cha coi vài ba tỉnh như Hoà Bình – Sơn La, Lào Cai – Lai Châu – Điện Biên, Hà Giang – Tuyên Quang…

Có đi mới biết đường dài, có đi thì cái khái niệm xa hay gần nó cũng khác. Ở đồng bằng quê tôi, đi khoảng 10km thì đã gọi là xa rồi. Rồi khi phải di chuyển cả vài ba chục km thì cảm thấy ngài ngại, hơn trăm km thì thấy ngán lắm rồi đấy. Nhưng trên miền cao này thì nói đến vài ba chục km là quá nhẹ nhàng, cha xứ đi dâng lễ ở giáo họ cách 20km thì chỉ như đi tập thể dục buổi sáng vậy. Rồi mỗi tháng về TGM họp hay tĩnh tâm thì phải đi từ ngày hôm trước, đi 200-300km thì mới thấy là xa.
Nơi miền sơn cước này địa hình chủ yếu là núi rừng. Nên cái khó khăn trong việc di chuyển là lớn nhất. Đường đi rất nguy hiểm với những dốc đèo, khúc cua trơn trượt, nên thời gian đi lại cũng mất rất nhiều. Có những giáo họ, giáo điểm nằm khuất mình sâu trong những thung lũng, những dãy núi trùng điệp như Làng Lao, Khe Nham,… mà để vào được bản thì chỉ có con đường độc đạo men theo những lối mòn vừa nhỏ hẹp vừa oằn nghoèo, một bên là vực sâu, một bên là dốc đứng núi rừng bạt ngàn. Phải cuốc bộ băng rừng, vượt suối, xuyên núi cả gần chục tiếng mới tới nơi.

Gọi là giáo họ nhưng số bà con giáo dân nơi các bản làng ở đây thì còn ít hơn cả một giáo xóm/giáo khu ở giáo xứ quê tôi. Bản nào tập trung đông thì 200-300 người, cũng có giáo họ chỉ gần chục nóc nhà. Nơi nào đông người thì dựng lên một nhà nguyện nho nhỏ vách gỗ, trần lá, còn nơi nào ít người thì mỗi lần có cha đến dâng lễ thì mượn tạm một nhà dân, miễn là rộng rãi một chút. Niềm vui lớn nhất là mỗi lần có cha vào thăm dâng lễ, nhất là ngày đại lễ như Phục Sinh hay Giáng Sinh. Và rồi mỗi lần như thế, các cha sẽ cử hành khá nhiều nghi thức, bí tích như rửa tội, giải tội, xức dầu, làm phép nhà mới,… vì lâu lâu cha mới vào thăm bản được.


Nhà nguyện giáo họ Pín Pé (Văn Chấn – Yên Bái)
 
Khó khăn, vất vả là thế nhưng các vị mục tử nơi đây vẫn hay dí dỏm với những khách phương xa: “các cha mục vụ ở dưới xuôi thì hay đau đầu, còn các cha ở trên đây thì hay đau mông, đau chân thôi” (nghĩa là phải đi lại nhiều).

Cha xứ Giuse Cấn Xuân Bằng chụp hình lưu niệm cùng các bạn SVCG Thái Hà

Một chuyến đi Men cùng giây phút ngắn ngủi trò chuyện với vị mục tử trẻ nơi bản Pín Pé này đã cho tôi bao trải nghiệm và khám phá. Nhưng miền đất sơn cước này còn quá mênh mông bát ngát, tôi mới chỉ là bắt đầu đặt chân đến, như “nai rừng ngơ ngác” dò dẫm mà thôi, để rồi trong tôi bừng lên một niềm khao khát, một ngọn lửa chờ ngày bừng sáng, hy vọng được theo những bước chân phục vụ của các vị cha anh ở nơi miền đất đầy hứa hẹn “hoa trái” trên “cánh đồng lúa chín” mới này nhé!


3. Sự học nơi miền sơn cước

Ở cái bản vùng cao, lọt thỏm giữa những dãy núi này, việc học dường như là một điều hiếm hoi. Phải mất đến gần chục năm mới chuyển đủ vật liệu và xây dựng được một căn nhà mái bê tông (dài khoảng 12m, rộng 4m) gọi là “Điểm trường Pín Pé”, và cũng chỉ có đủ chỗ cho lớp 1, lớp 2 mà thôi. Còn em nào học từ lớp 3 thì ngày ngày phải đi bộ 5km đèo dốc hiểm trở ra ngoài trường ở trung tâm xã học. Dầu vất vả là thế nhưng hàng ngày các em nhỏ đều cần mẫn vượt núi tìm “con chữ”. Nhiều hôm trời mưa, đường trơn trượt nhầy nhụa lắm, nhưng chỉ có một con đường độc đạo ra vào bản nên các em vẫn phải bước đi. 
 

Các em thiếu nhi vui chơi và chụp ảnh cùng các anh chị SVCG Thái Hà

Nhiều em đi học còn chưa biết nói tiếng Kinh. Vậy là lớp học ở đây biến thành lớp “song ngữ” vừa nói tiếng Mông, vừa dạy tiếng phổ thông cho học trò. Bám trường, giữ lớp mong học được được con chữ, các em đang chính là niềm hy vọng mà mọi người trong bản gửi gắm về một tương lai, một cuộc sống ấm no và bình yên.
. . .
Tạ ơn Chúa đã thôi thúc và đồng hành cùng chúng con trong hành trình Men Phục Sinh 2016 này. Xin soi sáng để chúng con biết mình là men, là muối và ánh sáng, biết chiếu tỏa và làm rạng danh Chúa bằng chứng tá Đức Tin vui tươi và vững vàng. Xin tạ ơn Chúa đến muôn thuở muôn đời. Amen.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *